Thông thường, các đối tượng lừa đảo gọi điện đến nhà dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp thông báo về kế hoạch kiểm tra hoặc mở lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC tại cơ sở.
Gọi điện thoại đến đường dây nóng ANTĐ, ông Nguyễn Văn Hải ở Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh mới đây, một đối tượng đã gọi điện thoại đến nhà ông và một số hộ trong khu vực yêu cầu chuẩn bị tiền để mua hồ sơ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với giá từ 600.000 - 1 triệu đồng. Nhẹ dạ cả tin, có người đã nhanh chóng "sập bẫy ".
Chi hàng triệu đồng chỉ để nhận Luật PCCC?!
Cũng theo ông Hải, ông đề nghị người cung cấp hồ sơ khi đến mang theo giấy giới thiệu, Thẻ ngành Công an, Phiếu thu… thì người này chỉ ậm ừ cho qua chuyện rồi lặn mất tăm.
Không chỉ hẹn đến trực tiếp, một số đối tượng còn sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cách đây không lâu, chị L - chủ cơ sở kinh doanh ở huyện Thạch Thất, Hà Nội nhận được cuộc gọi từ số máy lạ cho biết, sắp tới Đội Cảnh sát PCCC sẽ tổ chức lớp tập huấn để triển khai Luật PCCC và cấp chứng chỉ đảm bảo an toàn phòng cháy cho các chủ cơ sở kinh doanh.
Qua điện thoại, đối tượng bên kia đầu dây yêu cầu chị L đăng kí tham gia và hứa hẹn cảnh sát sẽ gửi giấy mời và tài liệu về cơ sở kinh doanh.
Chị L đồng ý, vài ngày sau chị nhận được một bưu kiện do shipper chuyển đến và nộp 950.000 đồng. Tuy vậy, trong gói bưu kiện chỉ có một quyển Luật Phòng cháy, chữa cháy, nhưng không có giấy mời tham gia lớp tập huấn. Chị L gọi lại vào số máy của người đã gọi điện thì…ngoài vùng phủ sóng.
Thông thường, các đối tượng lừa đảo gọi điện trực tiếp đến nhà dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp hướng dẫn các thủ tục liên quan đến công tác PCCC, thông báo về kế hoạch kiểm tra hoặc mở lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC tại cơ sở.
Sau đó, chúng đề nghị cơ sở, doanh nghiệp mua sách, tài liệu để bổ sung vào hồ sơ quản lý PCCC, hoặc phục vụ công tác tập huấn.
Nếu người dân thắc mắc, phản ánh lại thì sẽ bị dọa dẫm, đe dọa xử lý vi phạm. Khi "con mồi" đồng ý, các đối tượng này trực tiếp đến gửi tài liệu, nhận tiền hoặc gửi hàng và nhận thanh toán tiền qua dịch vụ chuyển phát.
Dù thủ đoạn trên không phải là mới, song do tâm lý lo sợ bị lực lượng chức năng về PCCC kiểm tra và xử lý vi phạm nên nhiều người dân, chủ doanh nghiệp vẫn sập bẫy lừa.
Mới đây, CATP Hà Nội đã phát thông tin cảnh báo về thủ đoạn lợi dụng tình hình nhiều vụ cháy xảy ra, một số đối tượng tự xưng là cán bộ Cảnh sát PCCC điện thoại cho một số chủ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh.
Chúng thông báo rằng lực lượng Cảnh sát PCCC sắp mở lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC, yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng đăng ký tham gia và mua tài liệu với giá lên tới gần 1 triệu đồng rồi gửi qua chuyển phát nhanh.
Tại Thừa Thiên - Huế, Công an tỉnh cũng đã phát đi thông báo gửi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để cảnh báo hành vi giả danh lực lượng Cảnh sát PCCC lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự.
Không chỉ có vậy, một số đối tượng còn tự nhận người nhà của cán bộ, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC để liên hệ đe dọa về việc cơ quan Cảnh sát PCCC kéo dài thời gian; chậm giải quyết các thủ tục hồ sơ cấp giấy phép về PCCC, hoặc không nghiệm thu về PCCC nếu không giao cho chúng thiết kế hồ sơ PCCC, thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị PCCC. Từ đó, các đối tượng ép buộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân phải mua hoặc lắp đặt các phương tiện, thiết bị PCCC do chúng cung cấp.
Làm thế nào để nhận biết kẻ lừa đảo?
Về các vụ việc trên, theo một đại diện của Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, hành vi của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát PCCC nói riêng.
Mỗi công dân cần nhớ rằng, cơ quan công an khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải có kế hoạch cụ thể, thông báo gửi các đơn vị tham gia hoặc trực tiếp đến trao đổi, không qua điện thoại. Chiến sỹ công an đến trực tiếp liên hệ công tác phải mặc trang phục đúng Điều lệnh Công an nhân dân, có biển tên đầy đủ, kế hoạch, giấy giới thiệu.
Do hầu hết các đối tượng không trực tiếp liên hệ, chỉ dùng sim "rác" để gọi điện thoại nên việc xác định kẻ lừa đảo gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, đại diện các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp và người dân khi nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu mua sách, tài liệu và văn bản pháp luật, đặc biệt là tài liệu liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ cần thu thập thông tin cụ thể về người liên hệ như tên, địa chỉ, chức vụ… sau đó thông báo cho công an phường sở tại hoặc CATP để kiểm tra, xác minh.
Khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC, công dân cần trực tiếp liên hệ Phòng Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn cụ thể.
Nếu có nhu cầu mua sắm các phương tiện PCCC, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nên tìm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC có đủ điều kiện theo quy định.